CHIA SẺ CASE SIÊU HAY CHO CẢ NHÂN VIÊN Y TẾ VÀ NGƯỜI BỆNH.
Một phụ nữ đem tới toa thuốc mới là Zofran (Ondasetron). Thuốc này 99.9% là dùng để chống nôn khi hoá trị ung thư hoặc sau phẫu thuật.
Tuy nhiên theo quán tính, mình vẫn hỏi: tại sao chị dùng thuốc này? Thì cô ấy bảo là: tôi bị buồn nôn ốm nghén (morning sickness).
BÀI HỌC 1: không nên mặc định bất cứ điều gì. Khi thi hành nghề, mình được dạy các câu hỏi sàng lọc. Tuy đơn giản nhưng vô cùng lợi hại! 👊. Chính nhờ thói quen hỏi này mà mình phát hiện được hai vấn đề quan trọng:
- BN đang có thai!
- Toa được kê theo off-label, tức chỉ định không có trên tờ Hướng Dẫn sử dụng thuốc chính thức.
Mặc dù ông dược sĩ (cũng là preceptor) nói toa này ổn vì thấy BS kê thuốc này cho thai phụ hoài. Nhưng mình vẫn cẩn thận tra thử ba tài liệu, thì kết quả như sau:
- Compendium of Theraputic Choice (CTC) - tài liệu tra cứu gối đầu giường của dược sĩ tại Canada: có thể dùng sau khi thất bại các điều trị khác
- Chuyên luận thuốc của Hiệp hội dược sĩ Canada (CPS): không có dữ liệu an toàn trên thai phụ
- Nhưng mình cẩn thận tra thêm 1 tài liệu thứ ba nữa là RxVigilance thì có thêm 1 thông tin vô cùng quan trọng: KHÔNG DÙNG Ở BA THÁNG ĐẦU THAI KỲ VÌ NGUY CƠ DỊ DẠNG TIM MẠCH.
Và thực sự, cô ấy chỉ vừa mới biết mình có thai! 😲
BÀI HỌC 2: Những vấn đề quan trọng, nên tra ít nhất 2-3 tài liệu khác nhau và cân nhắc dữ liệu nào phù hợp nhất. 👩💻 Không nên xem nhẹ bất cứ vấn đề gì dù là “vẫn thường gặp” hay “Bác sĩ đã nắm hết”. Dược sĩ đóng vai trò duyệt toa cuối cùng chính là vì muốn đảm bảo thuốc hợp lý nhất cho bệnh nhân.
Nhưng đây mới là phần hay nhất!
Xem lịch sử dùng thuốc, mình thấy cổ đang dùng thuốc chống trầm cảm Duloxetine. Thuốc này dùng với Zofran sẽ bị tương tác gọi là serotonin syndrome. Do đó mình mới hỏi cổ:
- Cô vẫn còn uống thuốc trầm cảm chứ?
- Không, tôi ĐÃ TỰ NGƯNG TẤT CẢ CÁC THUỐC MỘT TUẦN NAY kể từ khi biết có thai vì sợ ảnh hưởng bé!!
Nghe đến đây, mình vỡ oà luôn. 🤯😨Vì sao? Vì Duloxetine là một thuốc mà khi NGƯNG ĐỘT NGỘT, sẽ dẫn tới một hiện tượng gọi là “withdrawal syndroms” - hội chứng cai thuốc, BN sẽ bị: buồn nôn, khó chịu, triệu chứng như cảm cúm vv... xảy ra 1 - 7 NGÀY sau khi ngưng thuốc và có thể KÉO DÀI ĐẾN 3 TUẦN sau đó!
Kiểm tra kỹ hơn: liều Duloxetin là 60mg và hơn 1 năm nay. Tức đủ cao và đủ lâu để gây ra hội chứng cai thuốc rất đáng kể!
Do đó, triệu chứng buồn nôn khó chịu của cô ấy rất có thể vừa do mang thai, vừa do hội chứng cai thuốc!
BÀI HỌC 3: Bệnh nhân ơi xin đừng bao giờ tự ý dùng hay ngưng bất kỳ thuốc gì đột ngột mà không báo BS hay dược sĩ. 😬😬😬 Và xin hãy chủ động báo BS, DS bất cứ thay đổi hay lo ngại nào, đừng mặc định là BS, DS sẽ biết hết!
Nếu mình không phát hiện ra vấn đề này, cô ấy rất có thể sẽ phải chịu đựng tình trạng khổ sở này tới 3 tuần nữa mà không thể cải thiện được!
Trường hợp này, rất tình cờ mới có thể phát hiện được vì bệnh nhân:
- Tự ý ngưng thuốc mà không báo.
- Tin tưởng rằng Bác sĩ biết rõ mọi thứ, nên tới tiệm chỉ để lãnh thuốc. Không hỏi Dược sĩ tư vấn, không chủ động báo Dược sĩ biết mình có thai.
- Triệu chứng cai thuốc trùng hợp với mang thai, nên Bác sĩ và Dược sĩ đều không nghi ngờ gì!
- Bác sĩ khám vãng lai (walkin- clinic) không phải Bác sĩ gia đình (family Dr) nên sẽ không theo sát tình trạng bệnh được. Nên Bác sĩ vãng lai sẽ chỉ kê thuốc giải quyết vấn đề trước mắt, chứ ko can thiệp vào các điều trị khác.
Sau đó, mình đã hướng dẫn cô ấy:
- Duloxetine không ghi nhận nguy cơ trên thai, nên cứ bình tĩnh.
- Không nên ngừng đột ngột, mà cần giảm liều từ từ.
- Đi gặp bác sĩ gia đình để xem xét và điều chỉnh thuốc cho phù hợp với việc mang thai
Đồng thời, toa thuốc đã được chỉnh thành Diclectin - thuốc chính thức được dùng cho buồn nôn khi mang thai. Do Zofran khá “nặng đô” chỉ dùng khi thuốc khác không hiệu quả. Đồng thời, buồn nôn nặng ở đây do hội chứng cai thuốc gây ra, nên sau khi giảm liều Duloxetin từ từ như mình hướng dẫn, thì sẽ cải thiện đc.
Ghi chú: ở tỉnh Alberta, Dược sĩ sau khi học thêm chứng chỉ sẽ có quyền kê đơn mới hoặc chỉnh toa Bs nếu cần thiết, gọi là aditional prescribing authorization - APA.
Tác giả: https://www.facebook.com/iambabymilk
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét