Responsive Ads Here

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2018

CÓ NÊN HỌC BÁC SĨ Y HỌC DỰ PHÒNG

Nên học y học dự phòng hay bác sĩ đa khoa?
            Sáng thứ bảy, như bao ngày cuối tuần khác, Cactus thức giấc với sự thảnh thơi vì không phải đi làm. Ngày thường thì Cactus thường phải dậy sớm, vệ sinh cá nhân rồi đi chợ mua đồ ăn về kho sẵn, cắm cơm rồi mới đi làm để trưa về kịp ăn rồi nghỉ trưa để đi làm. Nhưng hôm nay cuối tuần thì chẳng việc gì phải vội, cứ thong thả đi chợ rồi nấu nhiều món ngon ăn cho sướng. Đi làm xa nhà thì tự nấu ăn là cách tốt để tiết kiệm, bảo đảm sức khoẻ đồng thời làm cho con người ta siêng năng, không có lại lười chảy thây ra.

Sáng nay, trời cao trong xanh, sương sớm long lanh, mặt nước xanh xanh cành lá rung rinh, bầy chim non hát ca vang… tự nhiên nổi hứng ca hát vô đây nữa. Chả là sáng nay Cactus có một cuộc hẹn, mà nguyên nhân của nó cũng thật sâu xa. Khổ thật, cũng tại mấy bài đăng của Cactus trên mạng thường chém gió ác quá nên sợ bị giang hồ đuổi đánh lắm, bởi thế Cactus chả dám đăng ảnh cá nhân, đi đâu cũng không nhận mình là Cactus, đi ra đường có bạn nào nói “nhìn anh đẹp trai thanh tú như Cactus miêu tả trên facebook ấy nhỉ” là tức thì Cactus chối ngay, ai hỏi gì cũng không chịu hé răng khai nửa lời (nhưng nếu lỡ họ giơ nắm đấm ra và có hỏi bố mẹ tên gì thì Cactus cũng khai hết). Bởi cứ yên tâm chẳng ai biết Cactus là ai, ở Hà Nội hay ở Sài Gòn nên mỗi lần đăng bài là Cactus nổ banh trời, chém lên chém xuống, chém ngang chém dọc. Dè đâu bữa trước tự nhiên có cuộc điện thoại từ số lạ, nói chào anh, em là X (em gái xin được giấu tên), em tìm hiểu biết anh là Cactus nên em có việc rất quan trọng xin anh cho lời khuyên. Trao đổi qua về chán chê, em gái cứ nước mắt ngắn dài xin được gặp, từ chối mà chẳng được nên Cactus đành phải nhận lời, lúc Cactus đồng ý gặp mặt thì em ý sụt sùi cảm động lắm. Đó là nguyên do của cuộc hẹn sáng nay.

Đúng 7 giờ 25 phút, Cactus có mặt ở quán cà phê Lặng Gió nằm bên bờ sông. Giờ hẹn là 7 giờ 30 phút nhưng do thói quen nên Cactus thường đến sớm độ 5 phút như vậy. Đang mải ngắm dòng sông lững lờ trôi thì chợt một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên “nên học bác sĩ y học dự phòng hay bác sĩ đa khoa anh nhỉ”, Cactus vội đáp “em nên học bác sĩ thú y”. Ấy là ám hiệu đã được thoả thuận trước, Cactus và em gái cùng cười.

Buổi nói chuyện trở nên dễ bắt đầu hơn, sau một hồi cà kê dê ngỗng, giới thiệu làm quen các loại thì câu chuyện đi vào chủ đề chính. Để tránh dài dòng làm bạn đọc nhàm chán, Cactus xin lược bỏ những đoạn tán phét, những đoạn miêu tả vẻ đẹp của em gái giấu tên và cả những đoạn gọi phục vụ đem thêm hạt dưa để tập trung vào nội dung chính.

- Anh Cactus này, năm nay em thi đại học được 28 điểm, em đăng ký nguyệnvọng 1 vào bác sĩ đa khoa, nguyện vọng 2 vào bác sĩ y học dự phòng. Em thì định học đa khoa rồi nhưng lại nghe nhiều người bảo con gái thì nên học dự phòng hơn, em không biết sao nữa anh ạ. Anh cho em lời khuyên với, em nên học ngành nào đây ạ?

- Thế này nhé, chúng ta thống nhất là nếu có gì chưa hiểu về 2 ngành này thì em cứ hỏi còn anh sẽ trả lời những gì mà anh biết, chứ còn khuyên em học ngành này, không học ngành kia thì anh chịu. Nào, ta bắt đầu thôi.

- Dạ, anh cho em hỏi trong quá trình học thì học bác sĩ đa khoa với bác sĩ y học dự phòng có khác nhau nhiều không anh?

- Có chứ, khác nhau cũng kha khá đấy, mà cũng tuỳ từng trường nữa, có trường thì đa khoa và dự phòng học chung những năm đầu, năm cuối mới học riêng; có trường thì dự phòng lại học riêng theo hệ tín chỉ. Nếu học riêng, xét về nội dung học, các môn khoa học cơ bản và y học cơ sở thì cơ bản giống nhau, còn sau đó bên nào sẽ đi sâu vào chuyên ngành bên đó hơn, học về nội ngoại sản nhi thì đa khoa học triệu chứng, chẩn đoán và quan trọng là điều trị, còn dự phòng thì học triệu chứng, chẩn đoán, cách phòng bệnh; thời gian học lý thuyết các môn này ở dự phòng ít hơn đa khoa, do đó thời gian đi lâm sàng cũng ít hơn. Ngược lại, bên dự phòng thì tập trung nhiều về mảng y tế công cộng như dịch tễ, thống kê trong khi đa khoa ít chú trọng đến những môn này; y học dự phòng còn được học và làm về nghiên cứu khoa học, thực tế cộng đồng, điều tra thực địa… Nói chung học đa khoa thì học nhiều về bệnh học, lâm sàng, điều trị, hay đi bệnh viện, ít học về dịch tễ, thống kê, nghiên cứu, còn y học dự phòng thì ngược lại. Bởi thế sinh viên y học dự phòng được đánh giá là có nhiều thời gian rảnh hơn nên cũng năng động hơn.

- Thế cơ hội xin việc sau khi ra trường như thế nào hả anh?

- Theo anh thấy thì cơ hội cho bác sĩ đa khoa vẫn nhiều hơn, vì nhiều lý do chẳng hạn như bác sĩ dự phòng thường chỉ được làm trong y tế công lập trong khi bác sĩ đa khoa có thể đi làm cho bệnh viện tư; dự phòng chỉ được làm trong các cơ quan về y tế dự phòng, không được làm điều trị trong khi bác sĩ đa khoa lại có thể xin tuyển vào tất cả những nơi nói trên.

- Điều này là do năng lực của bác sĩ đa khoa cao hơn phải không ạ?

- Theo anh thì không hẳn. Thực tế thì bác sĩ đa khoa hay dự phòng khi mới ra trường cũng đều cần phải học việc đã, bác sĩ đa khoa thì phải học từ điều dưỡng, từ y sĩ, bác sĩ dự phòng thì học từ người đi trước, cho nên nói bác sĩ dự phòng giỏi hơn hay bác sĩ đa khoa giỏi hơn là điều rất khó trong khi mỗi bên đi sâu vào mỗi lĩnh vực khác nhau, ví dụ như xử trí một ca cấp cứu thì bác sĩ đa khoa làm tốt hơn, còn tư vấn, chỉ định một trường hợp tiêm vắc xin thì bác sĩ dự phòng làm tốt hơn.

Việc các bệnh viện đề cao bác sĩ đa khoa là điều đương nhiên, anh không bàn luận thêm, nhưng hiện nay nhiều cơ quan y tế dự phòng vẫn thích tuyển dụng bác sĩ đa khoa hơn bác sĩ dự phòng vì quan điểm “bác sĩ đa khoa có thể làm được việc của bác sĩ dự phòng nhưng ngược lại thì không”. Đấy không phải là vì năng lực của bác sĩ dự phòng kém cỏi hơn – làm sao mà biết được năng lực của ai hơn ai khi bác sĩ đó mới ra trường, cái bằng tốt nghiệp không thể nói lên tất cả. Đấy là ở tính pháp lý của chữ ký người bác sĩ đó, bác sĩ dự phòng không được cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nên rất bất lợi khi cơ quan cần người phụ trách ở phòng khám. Nếu tuyển 1 bác sĩ dự phòng về thì theo quy định anh ta chỉ được làm bên mảng dự phòng thôi, còn nếu tuyển 1 bác sĩ đa khoa về thì với bằng bác sĩ đa khoa anh ta có thể làm ở phòng khám lúc có bệnh nhân và cũng có thể làm bên mảng dự phòng. Có thể hiệu quả công việc ở mảng dự phòng của bác sĩ đa khoa kia làm không bằng bác sĩ dự phòng nhưng đối với cơ quan thì điều quan trọng hơn là đã tiết kiệm được một khoản tiền (khi không phải tuyển thêm bác sĩ) đồng thời lại có thêm nguồn thu (có người phụ trách khám bệnh thì sẽ có thêm nguồn thu). Với các nhà quản lý thì họ phải tính toán kỹ, nếu bỏ ra 5 triệu mỗi tháng (cho 1 bác sĩ đa khoa) mà công việc mảng dự phòng đạt 90% thì vẫn tốt hơn so với 10 triệu mỗi tháng (cho 1 bác sĩ dự phòng và 1 bác sĩ đa khoa) mà công việc mảng dự phòng đạt 95%.

- Liệu đó có phải là nguyên nhân khiến nhiều anh chị bác sĩ dự phòng hiện nay vẫn chưa tìm được việc làm không ạ?

- Nguyên nhân thất nghiệp thì nhiều lắm em à. Không chỉ bác sĩ dự phòng mà hầu hết những ngành nghề làm trong hệ thống công lập thì đều khó xin việc cả. Nguyên nhân có thể đến từ sự cạnh tranh, ví dụ như bác sĩ đa khoa có thể làm ở cơ quan y tế dự phòng còn bác sĩ dự phòng lại không được khám chữa bệnh trong bệnh viện. Nguyên nhân cũng có thể đến từ một “truyền thống” đã có từ rất xưa là “một người làm quan cả họ được nhờ”, ai có bà con họ hàng làm to thì cũng có lợi thế hơn. Hoặc nguyên nhân cũng có thể từ sự tiêu cực, từ cơ chế xin – cho, chạy chọt. Đấy là những nguyên nhân đến từ phía nhà tuyển dụng, còn phía người ứng tuyển không phải là không có, ví dụ như chỉ thích làm ở quê mà ở quê thì hết chỗ, ngại đi xa dù ở nơi xa thông báo tuyển, có người lại cứ thích làm ở tỉnh chứ không chịu về huyện, về xã, có người chê lương thấp quá, muốn tìm chỗ lương cao hơn và có cả những người kỹ năng yếu kém, không biết tự đi tìm cơ hội cho mình, chỉ biết ngồi một chỗ kêu than như cuốc đêm hè thôi.
Ngoài ra, yếu tố may mắn cũng góp phần vào đó nữa, nhưng nói gì thì nói, dù học trường ngon, ngành ngon mà bản thân mình hổng có ngon thì nằm mơ cũng chẳng có được việc mà làm,

- Dạ, nhân nói về lương, anh có thể cho em biết lương của bác sĩ đa khoa và bác sĩ dự phòng có gì khác nhau không ạ?

- Lương thì không khác nhau lắm đâu, bác sĩ mới ra trường thì cũng như bao người tốt nghiệp đại học khác thôi, lương được tính với hệ số 2,34 (trong giai đoạn tập sự là 1,98), phụ cấp thì tuỳ theo công việc mà mức độ khác nhau, nhưng cũng chỉ trên dưới 3 triệu thôi. Lương thì thế, nhưng thu nhập thì sẽ khác nhau vì thu nhập thì bao gồm thêm những khoản khác nữa, ví dụ bác sĩ đa khoa có tiền trực, tiền thu nhập tăng thêm đến từ viện phí…, còn bác sĩ dự phòng thì có tiền công tác phí, tiền công giám sát… Đổi lại thì thời gian làm của bác sĩ đa khoa thường nhiều hơn, trực gác ban đêm nữa. Anh thường nói với bạn bè rằng về thu nhập thì làm nhiều hưởng nhiều thôi, buổi tối bác sĩ đa khoa đi trực, còn bác sĩ dự phòng ngồi coi bóng đá thì ít tiền hơn là đúng rồi, kêu chi.

- Như vậy là thu nhập của bác sĩ đa khoa cao hơn ạ?

- Ừ, thường là vậy. Nhưng cũng có khi bác sĩ dự phòng làm dự án, chương trình này nọ gì đó thì khoản thu nhập đó lại bằng mấy tháng thu nhập của bác sĩ đa khoa. Tuy nhiên có làm được như vậy hay không thì còn tuỳ vào khả năng, bản lĩnh, cơ hội của mỗi người nữa.

- Em thấy nhiều bác sĩ đa khoa ngoài giờ làm ở bệnh viện thì còn đi phụ ở phòng khám tư, phụ mổ các kiểu nữa nên cũng nhanh giàu, cũng mua ô tô, xây nhà đàng hoàng mà. Trong khi bác sĩ dự phòng thu nhập mỗi tháng chỉ bốn, năm triệu thì chênh lệch quá lớn đấy chứ ạ.

- Như anh đã nói với em rồi đấy, ai làm nhiều thì hưởng nhiều thôi. Ngoài giờ làm chính bác sĩ đa khoa có thể đi làm thêm ở phòng khám tư thì bác sĩ dự phòng cũng có thể nhận xử lý số liệu, tham gia dự án nào đó mà. Điều cốt yếu là người ta lựa chọn cuộc sống như thế nào thôi, người thì muốn kiếm thật nhiều tiền khi còn trẻ để về sau có thể nghỉ ngơi hưởng thụ, người lại thích tiền bạc vừa đủ, còn thời gian rảnh rỗi kia thì dành cho gia đình, cho thể thao hoặc một đam mê nào đó khác. Em không nên chỉ nhìn vào thu nhập hằng tháng của một người để đánh giá người đó sướng hay không, công việc đó tốt hay không, mà em nên nhận xét dựa trên tỷ lệ giữa những gì bỏ ra và những gì thu về được ấy. Ví dụ như em, em sẽ làm một công việc ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ mà thu nhập cao hay chọn một việc nhàn nhã hơn mà thu nhập trung bình?

- Em chưa nghĩ tới anh ạ. Chắc có lẽ em nên học bác sĩ đa khoa anh nhỉ, ra trường dễ xin việc hơn mà thu nhập cũng cao hơn?

- Cái đó thì tuỳ ở em xem bản thân mình phù hợp với công việc nào hơn. Anh nghĩ chuyện xin việc với thu nhập không nên là những ưu tiên hàng đầu để cân nhắc, vì xin việc dễ hay không còn tuỳ theo thời cuộc, bây giờ dễ nhưng đến khi em học xong hết dễ thì sao, với lại chẳng lẽ em theo một nghề nào đó chỉ vì cơ hội có việc làm của nó cao hơn dù rằng em không biết nó có phù hợp với mình hay không? Theo anh, cái quan trọng nhất là nghề nghiệp đó có phù hợp với con người mình không, tức là có phù hợp với tính cách, sở thích, tố chất, khả năng của em không. Khi mà nó phù hợp, em mới có đam mê, động lực để làm, chứ lỡ mà em không thích nó thì dù thu nhập có cao đến đâu em cũng chẳng thoải mái để làm và dĩ nhiên hiệu quả công việc cũng chẳng có.

- Nhưng làm sao để biết mình phù hợp với nghề nào ạ?

- Giá như em còn nhiều thời gian thì sẽ dễ hơn, muốn biết nó thế nào thì phải tìm hiểu về nó, tham gia vào nó thì mới rõ được. Nếu anh là một ông bố thì ngay từ khi con anh còn nhỏ anh sẽ tạo cơ hội cho nó biết công an, bác sĩ làm gì, thế nào là giáo viên, là công nhân, nông dân… thì lớn lên nó mới biết nó nên làm gì. Còn ở trường hợp như em, trước mắt là bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ dự phòng thì chắc anh phải giới thiệu một chút những gì anh biết về đặc điểm công việc của 2 ngành này cho em rõ nhỉ?

- Dạ.

- Nếu em là một bác sĩ đa khoa, công việc hằng ngày của em xoay quanh việc khám, chẩn đoán, chỉ định điều trị cho bệnh nhân, viết bệnh án, trực… Nơi em làm việc là phòng hành chính của khoa và phòng bệnh, người em tiếp xúc là đồng nghiệp, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hằng tuần sẽ được phân công một số buổi trực, có thể là trực tại khoa hoặc trực cấp cứu tuỳ theo nhiệm vụ cụ thể của em. Làm ở bệnh viện thì thường phải chịu áp lực rất lớn từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, từ đồng nghiệp và từ chính công việc của mình; môi trường trong bệnh viện cũng thường rất ồn bởi tiếng người nhà, tiếng trẻ con khóc, đông người thì phải ồn thôi. Mục tiêu công việc của em là chẩn đoán đúng, điều trị khỏi cho bệnh nhân, khi bệnh nhân rời khỏi bệnh viện thì thường em cũng hết trách nhiệm, cũng chẳng cần quan tâm bệnh nhân đi đâu, có uống thuốc theo đúng đơn mình kê không. Một đặc điểm nữa là công việc của bác sĩ đa khoa thường độc lập, bệnh nhân tới thì mình điều trị chứ tuyến dưới, tuyến trên có điều trị được hay không ít khi ảnh hưởng tới em, em làm ở bệnh viện nào thì chỉ cần biết công việc ở bệnh viện đó thôi. Được cái là khi làm ở trong bệnh viện thì em rất được coi trọng, em là bác sĩ thì các chị, các cô điều dưỡng vẫn gọi em là “bác”, em điều trị khỏi cho bệnh nhân thì sẽ được người ta tỏ lòng biết ơn, những điều này có thể không có khi em làm bác sĩ y học dự phòng,  đấy cũng là một trong nhiều lý do để nhiều bạn chọn con đường bác sĩ đa khoa đấy.

Còn nếu em là bác sĩ y học dự phòng thì tính chất công việc em sẽ khác. Công việc của em thường đã được lập kế hoạch từ đầu năm với chỉ tiêu mỗi tháng đó phải làm đạt tỷ lệ bao nhiêu, tháng nào đi tuyên truyền, tháng nào đi kiểm tra, tháng nào thì tập huấn… Nếu bác sĩ đa khoa sử dụng ống nghe, thuốc men trong công việc thì bác sĩ dự phòng không thể thiếu bút giấy và hiện nay là máy tính, em phải làm việc nhiều với các giấy tờ sổ sách, ví dụ như công văn trên gửi xuống, em làm công văn khác chỉ đạo tuyến dưới, tuyến dưới xây dựng kế hoạch gửi lên em, rồi tuyến dưới gửi báo cáo lên, em tổng hợp lại rồi báo cáo lên tuyến trên; rồi theo lịch em sẽ đi đến từng huyện (nếu em làm ở tỉnh), đến từng xã (nếu em làm ở huyện) để kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ cho tuyến dưới. Khác với bên điều trị, ở mảng dự phòng này thì hiệu quả công việc tuỳ thuộc vào tuyến dưới nữa, xã làm dở thì huyện bị ảnh hưởng, huyện làm dở thì tỉnh bị ảnh hưởng, bởi thế tuyến trên muốn làm tốt thì phải hỗ trợ, giúp đỡ tuyến dưới tốt hơn. Cho nên làm dự phòng thì sẽ đi nhiều, nơi làm việc của em không chỉ trong cơ quan mà còn ở bệnh viện khi em đi giám sát bệnh truyền nhiễm, ở trạm y tế xã, ở nhà dân, ở Nha Trang, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… khi em đi lên tuyến trên để được tập huấn. Đi nhiều thì cũng có cái hay cái thú của nó, được thăm thú nhiều nơi, được ra khỏi văn phòng máy lạnh, hít khí trời, làm việc với người khoẻ cũng dễ hơn so với người đang đau ốm. Nếu như làm ở bệnh viện chỉ cần lo chuyện trong bệnh viện thôi thì làm dự phòng lại khác, đang ở tỉnh mà nghe tin ở một xã nào đó có ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì cũng phải lo mà gọi điện xác minh, chỉ đạo rồi cũng phải khăn gói lên đường đi kiểm tra để mà dập dịch, giả sử có 1 trường hợp sốt xuất huyết thì ở bệnh viện người ta chỉ cần quan tâm bệnh nhân tên tuổi thế nào, triệu chứng ra sao, đáp ứng điều trị không, còn bên dự phòng thì không chỉ quan tâm đến bệnh nhân đó tên gì mà còn phải biết là ở đâu, gần đây có đi đâu xa hay không, xác định được chỗ ở của bệnh nhân rồi thì phải tới đó điều tra chỉ số muỗi, bọ gậy, nếu chỉ số cao quá thì có khả năng xảy ra dịch nên phải phun thuốc xử lý dịch đồng thời tuyên truyền, huy động nhân dân làm vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy, hướng dẫn bà con phòng bệnh. Hiệu quả công việc không phải chỉ do mình mà còn tuỳ thuộc vào sự phối hợp của nhiều đơn vị khác, ví dụ như tuyến dưới chuyên môn có tốt không, trạm y tế có nhiệt tình không, uỷ ban xã có hỗ trợ vận động nhân dân, đài phát thanh có tuyên truyền không, và quan trọng nhất là ý thức của người dân nữa, dân mà ý thức phòng bệnh kém là mình làm việc vất vả lắm.

Nói chung làm dự phòng thì không thể ngồi một chỗ mà phải đi để biết, đi để làm. Đối tượng làm việc là giấy tờ, là số liệu, chỉ số nhưng đó không phải là những thứ vô nghĩa mà đó là những thứ giúp chúng ta đánh giá được tình hình.

- Ôi, khác nhau nhiều anh nhỉ. Thế tức là bác sĩ đa khoa làm việc trong bệnh viện, làm với người bệnh là chủ yếu; còn bác sĩ y học dự phòng thì hay đi, làm việc với tuyến trên, tuyến dưới và với người dân tại cộng đồng hả anh.

- Đúng vậy đó em.

- Dạ, em đã hình dung được rồi ạ. Anh cho em hỏi thêm 1 câu nữa, anh thích làm điều trị hơn hay dự phòng hơn và vì sao ạ?

- Hì, tất nhiên là anh thích làm dự phòng hơn rồi, vì so với đa khoa thì dự phòng phù hợp với anh hơn. Anh thích đi đây đi đó chứ không phải chỉ ở trong bệnh viện, anh không thể tự tin bảo với người bệnh rằng cháu sẽ chữa khỏi bệnh cho bác nhưng anh có thể nói với người ta rằng nếu bác làm theo lời cháu hướng dẫn thì bác sẽ không mắc bệnh đó đâu, anh cũng thích can thiệp vào gốc rễ của bệnh tật hơn là điều trị khi nó đã phát tác, anh cũng thích làm dự phòng vì anh sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn để thực hiện những đam mê khác của anh, ví dụ như là lên mạng viết bài chém gió chẳng hạn. Với cả anh thích được giúp đỡ người khác một cách có hiệu quả, anh làm ở tỉnh nếu giúp được 10 huyện làm tốt, rồi từ 10 huyện mà giúp được cho toàn bộ tất cả các xã cùng làm tốt công tác y tế dự phòng thì hiệu quả chẳng phải lớn lắm sao so với điều trị cho từng ca bệnh. Mặc dù biết điều anh muốn vẫn còn là lý tưởng và có nhiều khó khăn phía trước nhưng đâu phải là không thể làm em nhỉ.

- Dạ, anh thật là tốt, anh lại đẹp trai nữa. Em yêu anh mất thôi…

- …

- Ấy, anh Cactus ơi, sao anh lại chạy, anh quên chưa trả tiền cà phê kìa.

Đêm hôm qua, trên trang báo điện tử baocaulai có 1 bài viết được giật tít “Xin tư vấn học y khoa, được bác sĩ khuyên nên học thú y”.

Từ Bác sĩ dự phòng Cactus.
(Mình là fan hâm mộ của ảnh :D)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét